Phát hiện khu cư trú người tiền sử niên đại 8.000 năm ở Bắc Kạn

Các nhà khảo cổ phát hiện bốn hang động ở hai xã Quảng Khê, Đô Phúc của huyện Ba Bể có dấu tích của người tiền sử cách đây 4.000-8.000 năm.

Đoàn chuyên gia Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn từ trung tuần tháng 7 bắt đầu tìm kiếm dấu vết khảo cổ ở hơn 20 hang tại hai xã Quảng Khê và Đồng Phúc. Sau một tháng, đoàn phát hiện bốn di tích có dấu vết người tiền sử.

Đầu tiên là hang Kẹm Liềm ở thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê rộng 280 m2, cao hơn con suối Tà Lẻng dưới chân núi khoảng 80 m. Đoàn khảo sát đã đào thám sát một hố 3 m2 ở giữa hang, cách vách phía đông 1,5 m. Kết quả phát hiện tầng văn hóa dày 0,7 m nằm ngay trên nền đá tảng. Trên bề mặt thu được 154 di vật, trong hố đào thu 49 di vật đá.

Các mẫu đá có sự tương đồng về loại hình, kỹ thuật ghè đẽo đơn giản. Các công cụ chủ yếu dùng để chặt đập thô, rìu tay, mảnh đá, mảnh tước, bàn nghiền, chày nghiền và một phác vật rìu có dấu ghè đẽo tạo eo để buộc dây.

Vị trí thám sát tại hang Kẹm Liềm. Ảnh: Đoàn khảo sát

Sự có mặt của bàn nghiền, chày nghiền, dấu tích của bếp lửa, xương răng động vật, ốc chưa hóa thạch là tàn tích thức ăn của người tiền sử, minh chứng cho phương thức chế biến thức ăn bằng săn bắt, hái lượm. “Đây là di tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn sớm của thời đại Đá mới cách đây khoảng 7.000- 8.000 năm”, đại diện nhóm khảo cổ nhận định.

Cũng tại xã Quảng Khê, đoàn khảo sát phát hiện hang Khuổi Duồng, cao hơn chân núi 60 m, diện tích 30 m2, chia làm hai ngăn có dấu tích cư trú của cư dân thời hậu kỳ Đá mới với niên đại khoảng 4.000 năm.

Trong hang có 26 công cụ đá ghè đẽo, 14 mảnh gốm thô có hoa văn khắc vạch và văn thừng thô. Ngoài ra, người dân địa phương cung cấp cho đoàn khảo sát chiếc rìu tứ giác mài nhẵn toàn thân bằng đá hạt mịn được tìm thấy dưới chân núi.

Công cụ bằng đá ở hang Kẹm Liền. Ảnh: G.C

Công cụ bằng đá ở hang Kẹm Liềm. Ảnh: Đoàn khảo sát

Tại xã Đồng Phúc, trên dãy núi Phja Pục, thôn Lùng Minh, đoàn khảo sát phát hiện được hai di tích khảo cổ trong hang Đán Đeng 1 và Đán Đeng 2. Hai di tích này nằm gần nhau, cùng trên độ cao khoảng 15 m so với chân núi.

Ngay trên bề mặt, đoàn khảo sát đã phát hiện 44 công cụ bằng đá ghè đẽo cùng nhiều vỏ ốc chặt đuôi ở hang Đáng Đen 1. Hang Đáng Đen 2 tìm thấy 10 hiện vật.

Đoàn khảo sát đánh giá các hiện vật ở hai hang này tương đồng với phát hiện ở hang Kẹm Liềm cả về loại hình và kỹ thuật chế tác nên dự đoán đây là khu vực lưu trú của nhóm cư dân giai đoạn sớm thời kỳ Đá mới có niên đại 7.000-8.000 năm.

PGS.TS Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá các phát hiện có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần làm phong phú thêm nhận thức về văn hóa tiền sử ở Bắc Kạn nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Rìu đá có dấu vết cưa trên thân ở hang Khuổi Duồng. Ảnh: G.C

Rìu đá có dấu vết cưa trên thân ở hang Khuổi Duồng. Ảnh: Đoàn khảo sát

“Do vị thế gần kề Vườn quốc gia Ba Bể, hệ thống di tích trên cần được bảo tồn và phát huy giá trị, xem chúng như tiềm năng kinh tế du lịch, về nguồn trong kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương”, PGS Chung nói thêm.

Hiện, các cơ quan chuyên môn đã lên kế hoạch nghiên cứu toàn diện hơn về các di tích, trong đó có việc khai quật hang Kẹm Liềm.

Theo https://vnexpress.net/phat-hien-khu-cu-tru-nguoi-tien-su-nien-dai-8-000-nam-o-bac-kan-4786061.html

You cannot copy content of this page