Tranh tài với 146 thí sinh từ 95 đội, Thanh Trúc giành giải ba Nhịp cầu Hán ngữ sinh viên thế giới, là đại diện Việt Nam có thành tích tốt nhất cuộc thi năm nay.
Nguyễn Thị Thanh Trúc là sinh viên năm cuối của trường Đại học Sư phạm TP HCM. Tham gia cuộc thi cũng là lần đầu Trúc đặt chân đến Trung Quốc – ước mơ từ thuở còn nhỏ. Trong vòng 20 ngày, từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, nữ sinh trải qua nhiều vòng thi và các hoạt động giao lưu.
“Em không nghĩ được tham gia sân chơi mang tầm quốc tế như Nhịp cầu Hán ngữ, giải ba lại càng ngoài mong đợi”, Trúc nói.
Thanh Trúc tại cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ sinh viên thế giới 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mê phim ảnh, âm nhạc của Trung Quốc từ nhỏ, Trúc đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Trung của Đại học Sư phạm TP HCM dù đây là lựa chọn không mấy phổ biến với học sinh ở Phú Yên. Từ những bộ phim như Tây Du Ký, Hoàn châu cách cách hay Anh hùng xạ điêu, Trúc tò mò những chiêu thức võ công, cảnh phim hoành tráng liệu có ngoài đời thực hay không. Cô đặt mục tiêu khi có thể sẽ đến Trung Quốc để mục sở thị.
“Muốn tìm hiểu về một đất nước nào đó thì cần bắt đầu từ ngôn ngữ”, nữ sinh giải thích lý do chọn ngành học.
Thời gian đầu học tiếng Trung, Trúc chật vật ghi nhớ từ vựng. Theo em, học tiếng Trung khó nhất là hiểu nghĩa của từ và viết. Được đào tạo căn bản nhưng Trúc vẫn hay quên mặt chữ, nhìn chữ thì hiểu nghĩa nhưng sau đó không thể viết lại.
Trúc cho hay chữ Hán nhưng mang nhiều lớp nghĩa khác nhau tùy vào ngữ cảnh, cách phát âm. Nghĩa của từ còn liên quan đến các điển tích, điển cố nên đòi hỏi người học chịu khó tìm hiểu, nâng cao vốn hiểu biết. Phát âm chuẩn cũng là một trở ngại với Trúc.
“Chỉ cần thay đổi thanh điệu khi đọc đã thành một từ mang nghĩa khác, chỉ dựa vào cách phát âm để phân biệt từ là điều rất khó”, nữ sinh nói.
Để cải thiện khẩu ngữ, Trúc đăng ký thêm khóa học rèn phát âm và dùng một số ứng dụng kết bạn với người Trung Quốc, qua đó rèn cách giao tiếp. Để nhớ mặt chữ và hiểu nghĩa của từ, không còn cách nào khác, nữ sinh phải luyện viết liên tục và đọc nhiều tài liệu.
“Những đợt thi cuối kỳ là lúc em nản nhất vì khối lượng ôn tập, ghi nhớ quá nhiều nhưng phải tự động viên là người khác làm được thì mình cũng làm được”, Trúc kể.
Mỗi khi nản lòng, em nhớ lại mục tiêu phải học giỏi để được du lịch hoặc du học Trung Quốc, thoải mái xem phim ảnh, chương trình truyền hình mà không cần phụ đề.
Nữ sinh nói khả năng tiếng Trung đã tiến bộ nhiều sau gần một tháng tham gia cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ thế giới. Thí sinh trải qua nhiều thử thách như thi kiến thức tổng quát, viết bài luận, hùng biện, thể hiện tài năng cá nhân và các hoạt động bên lề. Cuộc thi chia thành ba vòng đấu: sơ loại, thăng cấp và chung kết, từ đó chọn top 30, 7, 5 rồi tìm ra quán quân. Để đảm bảo công bằng, ban tổ chức chia thí sinh theo châu lục. Năm thí sinh xuất sắc nhất của mỗi châu lục sẽ thi đấu tiếp để chọn quán quân.
Trúc nhìn nhận khó khăn lớn nhất với bản thân là phần thi kiến thức tổng quát ở vòng thăng cấp. Nữ sinh phải học thuộc 14 trang tài liệu, bao quát nhiều lĩnh vực của Trung Quốc trong vòng một ngày. Đây cũng là vòng thi cạnh tranh gay gắt của 30 thí sinh giỏi nhất thế giới.
TS Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Trưởng khoa Tiếng Trung, Đại học Sư phạm TP HCM, cho biết Trúc đã vượt qua một hành trình nhiều thử thách từ cuộc thi ở trường và toàn khu vực miền Nam để đến sân chơi thế giới.
Theo TS Vân, cuộc thi không chỉ đòi hỏi sinh viên có vốn tiếng Trung tốt mà còn phải có năng khiếu nghệ thuật, khả năng trình diễn, nhanh nhẹn ứng biến với nhiều tình huống.
“Trúc không phải là sinh viên có vốn ngoại ngữ tốt nhất ở khoa. Vào đại học, em ấy mới tiếp xúc với tiếng Trung, muộn hơn so với nhiều bạn có định hướng từ trước nhưng lại hội đủ nhiều yếu tố cho cuộc thi”, TS Vân nhận xét.
Trúc cho rằng giải thưởng từ một cuộc thi tầm thế giới mở ra một cánh cửa mới nhưng cũng là áp lực cho em trong thời gian sắp tới. Với giải thưởng là học bổng một kỳ ở Trung Quốc, nữ sinh dự định theo học ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế sau khi tốt nghiệp.
Theo vnexpress