Vì sao nhiều địa danh Nam bộ lại cùng có tên Châu Thành, nghe giải thích ai cũng thấy hợp lý

Trong văn học dân gian Nam Bộ có nhiều câu có từ “châu thành”, mặc dù trong văn bản được viết hoa, nhưng được hiểu như một danh từ chung, chỉ nơi phố xá đông đúc, văn minh.

Hiện nay, Châu Thành được sử dụng để đặt tên cho 11 huyện ở các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (có huyện Châu Thành và Châu Thành A), Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh.

Huyện Châu Thành là cái tên chung được đặt cho nhiều huyện ở các tỉnh thành ở miền Tây. Điều đó khiến nhiều người tò mò và muốn được biết lý do vì sao?

Theo VnExpress, từ Châu Thành được sử dụng khá nhiều làm địa danh ở miền Nam. Trong lịch sử, “châu thành” là danh từ chung để gọi lỵ sở hay thủ phủ của tỉnh.

Theo tác giả Nguyễn Thanh Lợi trong bài viết Địa danh Châu Thành đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 3/2009), sau khi chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tháng 6/1867, Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra 24 hạt tham biện.

Lỵ sở của hạt gọi là châu thành, có chức năng như một trung tâm hành chính của hạt. Tỉnh Sài Gòn có các châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc…; tỉnh Mỹ Tho có các châu thành Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cần Lố, Cai Lậy.

Từ năm 1912, địa danh Châu Thành chính thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chính cấp quận ở Nam Kỳ. Ở hàng chục tỉnh như Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng… đều có quận Châu Thành.

Châu Thành là tên một huyện của tỉnh Long An. Châu Thành cũng là địa danh phổ biến ở Nam bộ. Tên Châu Thành gợi lên nhiều sự tò mò về câu chuyện phía sau một địa danh phổ biến.

Theo Từ điển Tiếng Việt (Quang Hùng – Ánh Ngọc), châu thành là từ Hán Việt. Châu là vùng đất, thành là đô thị, từ châu thành được giải thích là vùng đô thị hay còn gọi là thành phố.Với cách diễn đạt tương tự, Việt Nam từ điển (Lê Văn Đức) giải nghĩa châu thành là “thành thị, khu vực chính một xứ hay một tỉnh, nơi người đứng đầu xứ hay tỉnh trưởng cai trị, thường dân cư đông đúc, mua bán thịnh vượng”.

Trong sách Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải (Nam Chi Bùi Thanh Kiên) ghi rõ: “Châu thành chỉ các làng xã vây quanh tỉnh lỵ”.

Huyện Châu Thành (tỉnh Long An) cũng là nơi có Lễ hội Làm Chay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (Ảnh tư liệu).

Cả 2 cách giải thích này nghe có vẻ khác nhau nhưng thực ra đều phù hợp. Nếu cách giải nghĩa của từ điển dựa vào việc phân tích nghĩa của từ thì Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải giải thích dựa trên thực tế cuộc sống hiện nay.

Cũng như huyện Châu Thành của các tỉnh khác, Châu Thành của Long An nằm bên cạnh TP Tân An, trung tâm hành chính của tỉnh. Được biết, thời Pháp thuộc, các địa giới hành chính trong tỉnh có nhiều thay đổi về cả tên gọi lẫn ranh giới.

Các địa phương được tách, nhập, đổi tên nhiều lần. Trong đó, vùng đất Châu Thành ngày nay từng là nơi đặt trung tâm hành chính của các phủ, huyện khác nhau.

Địa chí Long An có đoạn nói về huyện Vàm Cỏ (bao gồm huyện Châu Thành và Tân Trụ) như sau: “Đầu thế kỷ XIX đến nay, trên địa bàn Vàm Cỏ đã lần lượt xuất hiện nhiều trung tâm như phủ lỵ ở huyện Cửu An ở thôn Bình Khuê (nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh) năm 1813 đến năm 1832, đổi làm phủ lỵ phủ Tân An, huyện lỵ huyện Tân Thạnh ở thôn Bình Quới (nay thuộc xã Bình Quới) năm 1941.

Thời Pháp thuộc, trên khu vực Vàm Cỏ ngày nay có 2 thị trấn: Châu Thành và Bình Phước. Việc xuất hiện liên tục của các trung tâm trên địa bàn Vàm Cỏ, ít nhiều phản ánh sự “hội tụ” các tiềm năng kinh tế – văn hóa ở địa phương”.

Từ đó, có thể thấy, trước kia, huyện Châu Thành của tỉnh Long An từng là vùng đất trù phú, thuận lợi, đông đúc dân cư.

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi, trong bài viết Giải mật những địa danh kỳ lạ – Đất Châu Thành nam thanh nữ tú (đăng trên Báo Tuổi trẻ online ngày 24/02/2021) giải thích về địa danh Châu Thành như sau: “Ban đầu “châu thành” chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ búa, các cơ quan của hạt tham biện trú đóng. Sau khi thành lập các thị xã với chức năng “tỉnh lỵ”, nó chiếm một phần diện tích của “châu thành”, phần diện tích còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành và sau này là huyện Châu Thành”.

Theo ghi chép của Địa chí Long An, những năm 1800, châu thành được sử dụng như một danh từ chung chỉ khu vực trung tâm của một địa giới hành chính và tương đương với huyện.

Ví dụ: Khu tham biện Tân An có: Châu Thành Bình Lập, huyện Tân An và huyện Cửu An; Khu tham biện Phước Lộc có: Châu Thành Cần Giuộc và huyện Phước Lộc,… Điều này phần nào khẳng định quan điểm của tác giả Nguyễn Thanh Lợi.

Cũng theo tác giả, Châu Thành của Long An trở thành tên riêng từ năm 1922. Trải qua nhiều lần đổi tên, tách, nhập, đến năm 1989, Châu Thành chính thức có tên huyện Châu Thành với 13 xã, thị trấn như hiện nay.

Nguồn: https://danviet.vn/vi-sao-nhieu-dia-danh-o-nam-bo-lai-cung-co-ten-chau-thanh-20220519134904464.htm

You cannot copy content of this page